Phân tích hai câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Bạn đang xem : Phân tích hai câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
“Hai câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của Hoàng Trung Thông là một lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của sức lao động trong cuộc sống.
"Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
Câu thơ giản dị nhưng chứa đựng một chân lí thật sâu sắc. Ở đây “bàn tay” chính là sức lao động của con người. Lao động sẽ làm nên tất cả. Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, ta có gặp “sỏi đá” - những gian khổ ngăn trở, nhưng nhờ lao động ta sẽ vượt qua, mang về thành quả lao động là cơm ngon dẻo. Câu thơ không những cho thấy sức lao động của con người đã cải tạo thiên nhiên, mà còn là lời ngợi ca vai trò to lớn của lao động mang lại ấm no hạnh phúc cho con người.
Xưa kia, bị đày ra hoang đảo, chỉ với một thanh gươm cùn mà Mai An Tiêm đã cải tạo được cuộc sống của gia đình mình. Không có ai giúp đỡ, không có một công cụ tốt để làm việc, chàng cũng chẳng có mảnh đất màu mỡ và một điều kiện thuận lợi nào. Chàng chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ. Bàn tay ấy trồng rau dại, mò con ngáo, cái hến, bàn tay ấy trồng dưa trên đất khô cằn. Chính nhờ lao động, gia đình An Tiêm đã sống được trên hoang đảo và trồng trên đó cây trái để ăn, để tồn tại mà không bị sự khắc nghiệt của thiên nhiên huỷ diệt.
Trước cách mạng, đất nước ta là một nước nghèo nàn, lạc hậu, xơ xác. Trong kháng chiến chúng ta thực hiện tăng gia sản xuất ăn no đánh thắng kẻ thù. Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên đã tạo sức mạnh hậu phương, góp phần cho chiến thắng, chúng ta đã lao động, đã tạo nên vũ khí, lương thực cho bộ đội kháng chiến.
Thế rồi, khi đất nước thống nhất, nhân dân ta lại say sưa lao động để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ở nơi đâu có bàn tay con người ở đó những hố bom bị lấp, mìn bị phá. Bàn tay lao động hăng say như một liều thuốc xoa dịu, xoá đi mọi vết tích hoang tàn. Những cánh đồng ngập trắng nước ngày xưa bây giờ đã bát ngát màu xanh. Còn đâu “chiêm khê mùa thối”, “đồng trắng nước trong”.
Bàn tay lao động đã đưa màu xanh trở lại với núi đồi sau bao năm bị bom đạn, chất độc màu da cam huỷ diệt. Trong chiến tranh, những rừng dừa chỉ còn trơ cọng, xác xơ, ngày nay đã ra hoa kết trái, tươi xanh Thật khó nhận ra rằng- Những khu rừng đang xanh tươi ấy đã từng mai màu vàng xác xơ. Chỉ có lao động mới có thể làm nên điều kì diệu ấy. Nhân dân ta hăng hái khai phá đất hoang. Ngày nay, ta nhìn Tây Nguyên như một mảnh đất đầy hứa hẹn, rồi lòng chảo Điện Biên đang sống những màu xanh. Nếu biết khi xưa đó là một vùng "rừng thiêng nước độc" thì ta mới thấy hết sự màu nhiệm có thực của bàn tay lao động.
Bàn tay ta làm nên tất cả, quả là như vậy! Công trình thế kỉ “thủy điện Sông Đà” là một minh chứng Từ lao động mới có những đường hầm rộng lớn dưới lòng đất, bàn tay lao động đã biến núi đá thành bờ, thung lũng thành hồ nước để nhạc sĩ ca ngợi bằng câu hát: “Ai đắp dập, ai phá núi, cho hồ nước đầy, nhịp đời sinh sôi. Thuyền về bến mới, cá nặng lưới đầy.." (Hồ trên núi). Bến mới ở đây không phải là ở sông mà ở trên núi, bến mới ấy do con người làm nên, cho “thuyền về”, cuộc đời "sinh sôi". Lao động đã bắt con Sông Đà làm ra điện phục vụ con người, đã cải tạo thiên nhiên để thiên nhiên trở nên có ích. Còn nhiều nhiều nữa, đó là công trình thuỷ điện Trị An, thuỷ điện Thác Mơ. Bàn tay lao động đã làm ra những cây cầu Thăng Long, những công trình đường dây tải điện 500 KV... và trên quê hương Nam Định của chúng ta cây cầu Đò Quan mới vững chắc, rộng lớn mọc lên sừng sững đã cho thấy sức lao động của con người là vô hạn.
Biển bao la và vô tận. Chúng ta đã có những giàn khoan khai thác dầu đứng hiên ngang giữa biển. Này đây những mỏ Bạch Hổ, những Đại Hùng mang lợi cho Tổ quốc mỗi năm cả triệu tấn dầu. Núi có mòn, sóng có cạn nhưng sức lao động của con người không bao giờ cạn kiệt, không có lao động làm sao ta có thể khai thác được “vàng đen” cho Tổ mốc và xây dựng lên những công trình thế kỉ như thế!
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Bàn tay còn làm ra mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Áo ta đang mặc do đâu mà có? Cơm ta đang ăn cái gì làm ra? Bàn ghế, nhà cửa của ta chẳng lẽ tự nhiên mà có? Không chỉ có lao động, lao động đã tạo ra tất cả những thứ phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta. Nếu ngày xưa, đất nước ta phải nhập lúa gạo thì bây giờ Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng vào hàng thứ ba trên thế giới. Nếu khi trước, nước ta còn phải trông đợi nhiều vào sự trợ giúp của bạn bè quốc tế thì ngày nay ta đã đứng vững trên đôi chân của mình. Lao động đã tạo nên những biến đổi đó.
Nhưng lao động không chỉ phục vụ những sinh hoạt vật chất mà còn sáng tạo ra những tác phẩm văn chương, hội hoạ, âm nhạc, điện ảnh.... Không có Nguyễn Du thì làm sao ta có thể biết đến nàng Kiều. Không có sự lao động miệt mài của Tô Ngọc Vân ta làm sao có thể được thưởng thức vẻ đẹp của bức tranh “Cô gái bên hoa huệ”. Sự lao động nghệ thuật. Ấy thật đáng quý, đáng trân trọng. Nó đã là sản phẩm tinh thần không thể thiếu đối với chúng ta.
Tóm lại, mọi của cải vật chất và tinh thần trong đời sống xã hội đều do sức lao động của con người làm ra. Từ những thứ nhỏ nhất như cây bút, cái bàn, chiếc cặp, đến những thứ vĩ đại nhất như Vạn Lí Trường Thành công trình thuỷ điện thế kỉ đều do lao động mà có. Lao động tạo ra mọi thứ và "Lao động sáng tạo ra con người” (Ăng-ghen). Bàn tay con người đã “ngăn sông làm diện, khoan biển làm dầu" (Tố Hữu). Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có biết bao công trình từ bàn tay, khối óc con người. Bàn tay con người làm nên tàu vũ trụ thám hiểm không gian, bàn tay con người đào đường hầm qua biển Măng - sơ. Sức lao động của con người thật là vô kể. Lao động để cải tạo thiên nhiên, cải tạo con người, lao động phục vụ đời sống và sinh hoạt. Và như Hoàng Trung Thông đã viết.
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Đó là chân lí đã được lịch sử chứng minh. Đó là một niềm tin sắt đá: Có lao động thì không có gì là khó khăn cả. Lao động chính là nguồn sống và hạnh phúc của chúng ta
Ý kiến bạn đọc