Soạn giản lược bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Nội dung bài soạn
Câu 1:
Những luận điểm chính của bài viết là:
1. Đặt vấn đề: Phải có cái nhìn đúng về văn chương Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông " Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thấy càng sáng, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy"
2. Giải quyết vấn đề: Tác giả nêu các luận điểm bổ sung để chứng minh cho luận điểm xuất phát
- Tóm tắt cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
- Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu (tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
- “Truyện Lục Vân Tiên” – tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu (cả nội dung và nghệ thụât).
3. Kết thúc vấn đề:
- Đánh giá đúng vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc theo cách nhìn mới mẻ đã nêu ở phần đầu: Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao đại vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.
=> Cách sắp xếp các luận điểm giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời và con người của Nguyễn Đình Chiểu, thấy hết những giá trị cơ bản trong cuộc đời và thơ văn của ông.
Câu 2:
Tác giả cho rằng văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy” vì:
- “Những vì sao có ánh sáng khác thường”: ánh sáng đẹp nhưng lạ, ta chưa quen nhìn nên khó phát hiện ra vẻ đẹp ấy. Cái ánh sáng khác thường ở đây chính là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dân dã của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, vẻ đẹp của loại văn chương hướng về đại chúng gắn bó máu thịt với nhân dân, phục vụ cuộc sống của người dân, mang tính nhân dân sâu sắc.
- “Con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy” có nghĩa là phải dày công kiên trì nghiên cứu thì mới khám phá được. Lâu nay chúng ta đã quen với văn chương trau chuốt, gọt giũa, lời lẽ hoa mỹ với hình tượng hùng vĩ, tráng lệ, phi thường… điều đó là không thoả đáng và không đúng với hoàn cảnh sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu (mù loà), nên đã không thấy hết được những vẻ đẹp và đánh giá đúng về ông.
Câu 3:
- Về cuộc sống và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một cuộc đời đẹp, đầy nghị lực, dù gặp nhiều khó khăn và bất hạnh, nhưng vẫn đứng thẳng, vẫn ngẩng cao đầu mà sống, không phải vì mình mà vì dân, vì nước. Tỏ thái độ bất khuất, bất hợp tác quyết liệt trước sự mua chuộc của thực dân Pháp. Cùng với cuộc sống đẹp là quan niệm sáng tác đúng đắn và tiến bộ
- Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu phục vụ đăc lực cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Những bài văn tế mà tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài điếu như Ngư Tiều y vấn đấp… Đó là những tác phẩm sôi sục lòng căm thù và dạt dào lòng yêu nước với những hình tượng cao đẹp của người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc, những lãnh tụ của nghĩa quân, những tấm gương bất khuất cao độ trước kẻ thù.
- Về truyện Lục Vân Tiên: bằng lối văn nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ đã khẳng định những giá trị bền vững của tác phẩm: ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quí trọng ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa. Tinh thần đấu tranh không khoan nhựơng chống lại cái xấu, cái ác, cái giả dối bất công trong tác phẩm cũng chính là xuất phát từ quan niệm sống và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu mà ra
Câu 4:
Nguyên nhân:
- Có rất ít người biết tới thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, có một số người thậm chí còn chê văn thơ ông thô ráp, nôm na
- Phẩm chất đạo đức và thành công nghệ thuật khẳng định Nguyễn Đình Chiểu xứng là lá cờ đầu của thơ ca chống Pháp
- Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời hiện đại để khôi phục lại giá trị đích thực của thơ văn yêu nước
Câu 5:
Sức lôi quấn ở:
- Cách nghị luận thuyết phục, chặt chẽ và xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng người đọc.
- Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả đã lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình.
- Đặc biệt, tấm lòng của người viết đối với cuộc đời cao đẹp và thơ văn có giá trị đích thực của Nguyễn Đình Chiểu.
Ý kiến bạn đọc